Trả lời:
Mang thai liên tục với khoảng cách quá ngắn làm tăng nguy cơ về sức khỏe cả mẹ và con. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các cặp vợ chồng nên đợi ít nhất 2-3 năm giữa các lần mang thai để bảo vệ sức khỏe người mẹ, đảm bảo thai kỳ an toàn.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Pubmed năm 2019, nhóm tác giả sử dụng dữ liệu của 77 quốc gia, với tổng cộng mẫu phân tích khoảng 4,56 triệu ca sinh của hơn 1,15 triệu phụ nữ. Trong đó, khoảng 370.000 trẻ tử vong trong năm đầu đời.
Nghiên cứu này ghi nhận khoảng cách sinh trung bình 35 tháng hầu như giống nhau giữa các quốc gia. Khoảng cách sinh dưới 24 tháng có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh cao hơn.
Đầu tiên, khoảng cách sinh ngắn có liên quan đến trẻ sinh ra có cân nặng thấp. Thứ hai, khi người mẹ sinh các con gần nhau, những đứa trẻ lớn hơn thường phải cai sữa mẹ sớm, ảnh hưởng xấu đến dinh dưỡng và sức khỏe của con.
Thai phụ tiền sử tiền sản giật, thiếu máu, cao huyết áp; hoặc người mẹ có tiền căn mổ lấy thai, mổ bóc u xơ tử cung, thai ngoài tử cung đoạn kẽ; có thai lại quá sớm tăng nguy cơ thủng, vỡ tử cung, nhau bám chặt, nhau cài răng lược, băng huyết… trong quá trình mang thai, chuyển dạ.
Tuy nhiên tùy từng nhóm tuổi của người mẹ, bác sĩ tư vấn cụ thể thời gian tối ưu để mang thai lại.
Dưới góc độ y tế, các chuyên gia đều khuyên không nên sinh con quá dày, dẫn đến nhiều bất lợi cho mẹ và trẻ. Tuy nhiên, khoảng cách sinh con còn chịu tác động vào điều kiện mỗi gia đình. Khi quyết định sinh thêm con, các cặp vợ chồng nên tính toán tài chính, thời gian, sắp xếp công việc phù hợp. Cần quan tâm đến thời gian phục hồi sau mang thai, sinh con, chăm sóc trẻ nhỏ.
Khoảng cách sinh nở rất quan trọng với phụ nữ trên 35 tuổi, kết hôn muộn và muốn sinh nhiều con. Nhóm phụ nữ này nên khám tiền sản để bác sĩ tư vấn trước mang thai nhằm chuẩn bị tốt, giảm nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe mẹ và bé.