Trả lời:
Siêu âm thai là phương pháp sử dụng sóng âm để thấy được hình ảnh của thai nhi trong bụng mẹ, từ đó bác sĩ thu thập các thông tin về quá trình phát triển và sức khỏe của bé. Hiện, có rất nhiều hình thức lựa chọn như siêu âm thai 2D, 3D, 4D hay siêu âm doppler màu.
Dù các thiết bị siêu âm ngày càng phát triển hiện đại, nhưng hiện kiểm tra cơ bản về tim thai ở giai đoạn đầu (thai dưới 10 tuần) vẫn được thực hiện tốt nhất bằng siêu âm 2D (B-mode). Có nhiều nghiên cứu chứng minh siêu âm 2D sử dụng sóng âm không xâm lấn, hầu như không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Ngoài ra, còn có siêu âm Doppler gồm 4 kỹ thuật siêu âm doppler liên tục, siêu âm Doppler xung, siêu âm Doppler năng lượng, siêu âm Doppler màu. Sản phụ siêu âm Doppler sẽ phát ra các xung, xung này có năng lượng cao và sinh nhiệt.
Theo khuyến cáo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ, không nên dùng Doppler để khảo sát và nghe tim thai đối với thai nhỏ vì dưới 10 tuần. Trừ một số ít trường hợp cần thiết để đánh giá bất thường như thai có dấu hiệu bất thường nhịp tim, tim thai khó xác định… bác sĩ mới cần dùng đến siêu âm Doppler để đánh giá.
Đối với thai lớn, các nghiên cứu cho thấy khi dùng Doppler màu, cố định đầu dò siêu âm liên tục trên xương trong 30 phút có thể làm tăng nhiệt ở xương thai nhi, làm kém phát triển sụn đầu xương, từ đó gây kém phát triển xương. Tuy nhiên, một ca siêu âm chỉ kéo dài khoảng 5-20 phút và di chuyển kiểm tra nhiều cơ quan khác nhau nên nguy cơ rất ít. Bác sĩ siêu âm tùy chỉnh những thông số sao cho tối ưu để siêu âm Doppler màu không ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, thai phụ có thể yên tâm siêu âm kiểm tra trong thai kỳ.
Nếu thai kỳ khỏe mạnh, phát triển tốt, mẹ bầu không cần siêu âm thường xuyên. Ba mốc siêu âm quan trọng mà thai phụ cần tuân thủ thực hiện là 11-14 tuần, 18-22 tuần, 30-32 tuần.
Để quá trình mang thai thuận lợi, bạn nên tuân thủ khám thai định kỳ, theo dõi chế độ ăn, sinh hoạt phù hợp để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và thai nhi.