Các vaccine được cấp giấy đăng ký lưu hành gồm Shingrix ngừa zona thần kinh, Qdenga phòng sốt xuất huyết, Pneumovax 23 ngăn phế cầu khuẩn.
Trong đó, vaccine sốt xuất huyết có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi tránh trở nặng. Virus gây bệnh thường tạo thành các vụ dịch với số lượng bệnh nhân lớn, dẫn đến tăng tỷ lệ trở nặng. Vaccine là biện pháp bền vững, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng y tế dự phòng và điều trị.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, ba vaccine được cấp phép sau khi được Bộ Y tế xem xét, đánh giá về mức độ an toàn và tính hiệu quả trước khi sử dụng. Cùng đợt này, 5 sinh phẩm y tế khác cũng được cấp phép mới, 31 vaccine, sinh phẩm được gia hạn đăng ký lưu hành.
Hiện, ba vaccine trên được đưa vào chương trình tiêm chủng dịch vụ. Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, chia sẻ VNVC là đối tác chiến lược toàn diện của GSK, Takeda và MSD, đã đàm phán để sớm đưa cả ba vaccine này về Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo thông tin từ các nhà sản xuất, vaccine Qdenga (ngừa sốt xuất huyết) do hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) cung ứng, hiệu quả hơn 80%, dành cho trẻ từ 4 tuổi. Lịch tiêm hai mũi cách nhau ba tháng.
Pneumovax 23 (ngừa phế cầu khẩu) do hãng dược phẩm MSD (Mỹ) sản xuất, hiệu quả hơn 90%, dành cho trẻ từ 2 tuổi và người lớn với lịch tiêm một mũi. Loại mới có tác dụng phòng 23 nhóm huyết thanh của phế cầu, so với loại hiện hành chỉ phòng 13 nhóm.
Shingrix (ngừa zona thần kinh) do hãng dược phẩm GSK (Anh) cung ứng, hiệu quả trên 97%, dành cho hai đối tượng: người trên 50 tuổi với sức khỏe bình thường, người từ 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch. Lịch tiêm vaccine gồm hai mũi, cách nhau 2-6 tháng.
Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Dengue gây ra, xuất hiện chủ yếu vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 12. Quý I/2024, nhiều địa phương ghi nhận hàng trăm ca bệnh, ví dụ Hà Nội hơn 500 ca, TP HCM hơn 2.100 ca, Cần Thơ có 168 ca. Bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi tránh trở nặng.
Vi khuẩn phế cầu lây truyền thông qua đường hô hấp, có thể xâm lấn gây bệnh ở tai, xoang, phổi và nhiễm trùng máu. Trẻ nhỏ, người già và nhóm có bệnh mạn tính nằm trong nhóm nguy cơ cao trở nặng.
Zona thần kinh do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh gây đau dây thần kinh dữ dội, có thể biến chứng viêm não, liệt cơ mặt, giảm thị lực, nguy cơ cao ở nhóm trên 50 tuổi và có nhiều bệnh nền như đái tháo đường, sử dụng corticoid kéo dài, ung thư dùng thuốc ức chế miễn dịch, HIV…