Trả lời:
Túi nâng ngực được đặt vào trong mô vùng ngực nhằm tăng kích thước vòng một. Xu hướng đặt túi ngực ngày càng phổ biến để làm đẹp vòng một, sửa chữa khuyết tật bẩm sinh, tái tạo sau đoạn nhũ điều trị ung thư. Đặt túi ngực không làm tăng nguy cơ hay phòng tránh ung thư vú và không ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ.
Cấu tạo của ngực gồm nhũ hoa, quầng ngực, các ống dẫn sữa, thùy, tiểu thùy, mô tuyến, hạch bạch huyết và mạch máu. Sữa mẹ được sản xuất ở tiểu thùy, sau đó qua ống dẫn đến nhũ hoa.
Túi ngực được đặt giữa mô tuyến vú và cơ thành ngực hoặc bên dưới lớp cơ. Túi ngực đặt trực tiếp vào mô ngực có thể gây áp lực làm tắc các ống dẫn sữa, chèn ép gây teo mô tuyến vú, khiến phụ nữ khó sản xuất đủ sữa mẹ hoặc sữa chảy tự do hơn trong quá trình cho con bú.
Túi ngực được đặt bên dưới lớp cơ ngực ít có khả năng cản trở quá trình sản xuất hoặc dòng sữa. Trong quá trình phẫu thuật, đôi khi một ít mô tuyến được loại bỏ để thu nhỏ ngực nhưng hầu hết trường hợp vẫn còn đủ mô vú để kích hoạt sản xuất sữa.
Sau khi nâng ngực, người mẹ có thể cho con bú, cho dù túi ngực là nước biển hay silicone. Không có bằng chứng nào cho thấy silicone từ túi ngực rò rỉ vào sữa mẹ.
Người mẹ sau khi đặt túi ngực, dòng sữa cho con bú có thể không đủ nhu cầu của bé. Một số trường hợp không thể tiết sữa do dây thần kinh hoặc ống dẫn sữa bị cắt đứt khi đặt túi ngực. Khi thiếu sữa, bạn nên bổ sung dinh dưỡng cho bé bằng sữa mẹ tiệt trùng từ người tặng hoặc sữa bột dành cho trẻ em.
Phụ nữ đặt túi ngực thường bị chảy xệ ngực sau khi mang thai dù có cho con bú hay không. Chị em nên phẫu thuật trẻ hóa ngực (nâng ngực sa trễ hoặc đặt lại túi ngực) sau khi đã sinh đủ con.
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn
Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM