Nếu phái đẹp ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn nhưng vẫn béo bụng có thể do mất cân bằng nội tiết tố. Dưới đây là ba hormone ảnh hưởng đến quá trình hình thành mỡ ở bụng.
Estrogen
Estrogen là một nhóm nội tiết tố có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và tình dục của nữ giới. Ở thời kỳ mãn kinh, cơ thể bị suy giảm estrogen. Nếu mất cân bằng estrogen xảy ra trong thời gian dài dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, dễ gây béo bụng.
Hormone estrogen có trong thực phẩm, chủ yếu tồn tại dưới dạng phytoestrogen góp phần cải thiện các vấn đề mãn kinh như ngủ kém, giảm sức khỏe xương khớp.
Hạt điều dồi dào phytoestrogen, chứa cả isoflavone và lignin. Các loại rau họ cải như súp lơ, bông cải xanh, cải brussels và bắp cải cũng cung cấp phytoestrogen cho phụ nữ. Ăn bột hạt mè hàng ngày góp phần làm tăng mức độ estrogen, đồng thời kiểm soát lượng cholesterol trong máu. Hạt mè cũng góp phần gia tăng nồng độ poly estrogen ở phụ nữ đến tuổi mãn kinh.
Đậu nành có chứa hợp chất hóa học tương tự estrogen được gọi là isoflavone, có thể làm giảm cholesterol xấu, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim. Các phytoestrogen khác được tìm thấy trong đậu nành có thể giảm khả năng phát triển ung thư vú, kiểm soát triệu chứng mãn kinh.
Cortisol
Cortisol được gọi là hormone căng thẳng, có vai trò quan trọng trong cơ thể, được sản xuất bởi tuyến giáp. Tuy nhiên, lượng cortisol dư thừa có thể gây tăng cân, béo bụng.
Nồng độ cortisol cao, kéo dài, đi kèm căng thẳng mạn tính hoặc rối loạn căng thẳng làm tổn thương vùng hồi hải mã (có tác dụng cải thiện khả năng ghi nhớ).
Gia tăng cortisol trong thời gian dài cũng góp phần làm hư hại vỏ não trước trán, cần thiết cho sự tập trung. Tập thể thao hỗ trợ cơ thể tiết ra dopamine và serotonin để tinh thần tốt hơn, giảm phần nào lượng hormone cortisol tích trữ trong cơ thể.
Leptin
Với người bình thường, hormone leptin hoạt động bằng cách truyền thông tin đến não rằng cơ thể đã đủ chất béo dự trữ. Từ đó, não truyền lệnh cho cơ thể đốt cháy calo dự trữ dư thừa. Nếu thiếu leptin, cơ thể luôn báo tín hiệu đang đói. Đây là lý do vì sao bạn ăn nhiều nhưng vẫn không cảm thấy no, dẫn đến tích trữ mỡ bụng. Rối loạn nội tiết tố do estrogen suy giảm ảnh hưởng lớn đến hormone leptin.
Để leptin hoạt động bình thường, mọi người cần ngủ đủ giấc. Người thiếu ngủ có lượng ghrelin cao, thường đói, lượng leptin thấp hơn. Chế độ ăn giảm chất béo trung tính góp phần tăng leptin trong cơ thể.
Các loại đậu cung cấp protein và chất xơ, có thể cải thiện chức năng của leptin. Ưu tiên các loại trà thảo mộc, trà đen, trà xanh, uống nước chanh hoặc nước hoa quả để giảm mức chất béo trung tính, tăng cường hormone leptin.