Ngày 15/5, ông Nông Trí Truyền, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Cao Bằng, cho biết bệnh nhân được ghi nhận từ tháng 4 đến nay, biểu hiện chung là đau bụng vùng quanh rốn, sốt nhẹ, đi ngoài phân lỏng nhiều lần có nhầy máu.
CDC tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác định bệnh nhân nhiễm lỵ trực khuẩn. Hiện, 4 bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, còn lại điều trị tại nhà, sức khỏe ổn định.
Theo ông Truyền, dịch bệnh lỵ trực khuẩn bùng phát trở lại sau nhiều năm không xuất hiện, may mắn không có trường hợp nặng. Bệnh chủ yếu xảy ra ở các thôn, bản vùng sâu xa do thói quen ăn ở mất vệ sinh, phóng uế bừa bãi… Khí hậu mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều cũng là cơ hội cho các loại côn trùng (ruồi, nhặng) truyền bệnh, vi sinh vật gây bệnh phát triển.
Các chuyên gia của CDC đang giám sát và xử lý ổ dịch. Trung tâm y tế cũng hướng dẫn người dân giữ vệ sinh, tránh để dịch lan rộng.
Bệnh lỵ trực trùng (hay lỵ trực khuẩn) là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do trực khuẩn Shigella gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường phân – miệng, từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc trực tiếp, hoặc gián tiếp qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Các loài côn trùng như ruồi, nhặng, gián… là tác nhân trung gian làm lây lan mầm bệnh sang thức ăn.
Triệu chứng của nhiễm lỵ trực khuẩn là sốt cao 38-39 độ C, rét run, nhức đầu, mệt mỏi. Trẻ em có thể có cơn co giật, chán ăn, khát nước, đắng miệng, buồn nôn hoặc nôn, kèm theo đau quặn bụng, mót rặn. Phân không thành khuôn có nhầy và máu, đôi khi phân lỏng lờ máu như nước rửa thịt. Trường hợp bệnh nặng có thể dẫn đến rối loạn nước điện giải, suy tuần hoàn, tử vong. Thời gian ủ bệnh 1-7 ngày.